… « Mỗi thời kỳ của cộng đồng dân tộc gồm nhiều thế hệ, trước và sau, thế hệ hiện tại »…. « thực trạng lịch sử mà chúng ta nhìn thấy trước mắt là hậu quả của những sự kiện đã xẩy ra hằng mấy thế kỷ trước và là nguyên nhân của những sự kiện sau này »
… « Có những sự kiện đau thương « thích hợp trong thời gian trước 2000 », nhưng nó sẽ « không thích hợp với thời gian kể từ thế kỷ này ».
… « Chúng ta nên tìm cách phát triển Tinh Thần Ngô Đình Diệm trong mọi cộng đồng, trong mọi tổ chức để tranh đấu cho Tự Do, Công Lý và Hoà Bình cho Dân Tộc. Đó cũng là cách chúng ta ghi ơn cố TT Ngô Đình Diệm vậy.
Chỉ dấu lịch sử khó quên.
….Cách đây 47 năm, khoảng 10 giờ ngày 2.11.1963, khi chiếc M113 chở xác cố TT Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu về đến Bộ Tổng Tham Mưu, đậu trên sân cỏ phía tay phải. Mở cửa xe phía sau ra, nguời ta thấy ông Diệm mặc bộ complet màu xám sậm, ông Nhu mặc bộ complet màu hơi nâu tím. Cả hai bị trói thúc ké tay sau lưng, nằm nghiêng trên sàn xe, máu me dầm dề….
Theo tài liện thu thập bởi diễn đàn Ba Cây Trúc, thì :
« ….Sáng 2.11.1963, khoảng 6 giờ 15 phút, toán ông đuợc lệnh di chuyển ra khỏi Bộ Tổng Tham Mưu. Khi vừa ra khỏi cổng chính thì thấy có 3 chiếc xe Jeep đang chờ.
– Chiếc thứ nhất có Tuớng Mai Hữu Xuân và 3 cận vệ.
– Chiếc thứ hai chở Đại Tá Dương Ngọc Lắm, Đại Úy Nguyễn Văn Nhung và Đại Úy Dương Hiếu Nghĩa.
– Chiếc thứ ba chở 4 nguời, trong đó có Đại Úy Phan Hòa Hiệp. Sau đó là hai chiếc M113. Nhân chứng ngồi ở chiếc thứ nhì. Cuối cùng là 2 chiếc GMC chở đầy lính có vũ trang đầy đủ. Khi đến Chợ Lớn, gần một nhà thờ, xe chạy chậm lại, các binh sĩ trên hai chiếc GMC đuợc lệnh nhảy xuống, một số bố trí xung quanh nhà thờ, số còn lại bố trí ở vòng ngoài. Xe Tuớng Xuân chạy một vòng rồi đậu lại bên kia đuờng. Sau cái phất tay của Đại Tá Dương Ngọc Lắm, ba đại úy Nhung, Nghĩaa và Hiệp nhảy xuống xe. Đại Tá Lắm ngoắc chiếc M113 có nhân chứng ngồi trên đó đi theo. Nhân chứng cũng nhảy xuống xe. Khi cách Đại Tá Lắm khoảng 2 thuớc, nhân chứng thấy có 4 nguời từ trong nhà thờ đi ra.
– Nguời đi đầu là Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
– Nguời đi tiếp theo là Ông Ngô Đình Nhu.
– Sau cùng là hai tùy viên (Đại Úy Đỗ Thọ và ông Nguyễn Đắc Khá).
Đại Tá Lắm đến chào ông Diệm:
– Thừa lệnh Trung Tuớng Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, chúng tôi đến đón cụ và ông cố vấn.
Ông Diệm:
– Ông Đôn và ông Minh đâu hè?
Đại Tá Lắm:
– Thưa cụ, hai ông còn đang bận việc ở Tổng Tham Mưu.
– Thôi đuợc. Thế tôi và ông cố vấn đi cùng xe kia với ông.
Đại Tá Lắm quay nguời lại chỉ vào chiếc M113 và nói:
– Thưa cụ, xin cụ lên xe này cho.
Ông Nhu khẻ nhíu mày lên tiếng:
– Không thể đón Tổng Thống bằng một chiếc xe như vậy. Để tôi liên lạc với ông Đôn, ông Đính coi xem.
Đại Tá Lắm khẽ nhún vai:
– Tôi không biết.
Đây là lệnh của Trung Tuớng Chủ Tịch.
Đại Úy Nhung liền oang oang:
– Xin mời hai ông lên xe ngay cho đi.
Mặt ông Nhu đỏ bừng, giọng rất quyết liệt:
– Không đuợc. Để tôi hỏi lại ông Minh, ông Đôn. Tôi đi xe nào cũng đuợc, nhưng còn Tổng Thống…
Đại Úy Nhung:
– Ở đây không còn Tổng Thống nào cả.
Ngay lập tức, Nhung bảo hai quân nhân chạy đến đẩy hai ông lên xe và hạ cửa xe xuống…
Xe đi hết đuờng Nguyễn Trãi, vào đuờng Võ Tánh đến truớc Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia thì ngừng lại. Tổng Nha này đã bị chiếm từ ngày hôm truớc nên không còn một cảnh sát nào lui tới. Chung quanh, các binh sĩ thuộc Sư Đoàn 5 của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu canh gác rất cẩn mật.
Một Đại Tá từ trên xe Jeep nhảy xuống, bảo các binh sĩ trên xe M113 chở ông Diệm và ông Nhu xuống xe hết. Bảy nguời trên xe nhảy xuống, nhưng tài xế và anh hạ sĩ xạ thủ đuợc ra lệnh ở lại. Xe đuợc lệnh đi vào Tổng Nha. Khoảng 20 phút sau, chiếc M113 lại từ Tổng Nha chạy ra. Các binh sĩ lúc nãy đuợc lệnh leo lên xe lại.. Xe chạy nguợc đuờng Võ Tánh trở lại đuờng Cộng Hòa.. Nhân chứng hỏi hạ sĩ xạ thủ:
-Ông Diệm và ông Nhu đâu?
– Ở duới.
– Sao rồi?
– Ông Nhu bị tra tấn khủng khiếp rồi bị xiết cổ chết bằng dây điện. Nguời ta hỏi ông ta nhiều lần: Vàng, bạc, tiền của cất đâu? Ai giữ?
Cơ sở kinh tài gồm những cơ sở nào? Ông Nhu trả lời không biết.
– Còn ông Diệm?
– Ông Diệm bị đè cổ ra trói thúc ké rồi ném vào hầm xe.
– Chết hay sống?
– Không biết.
Xe qua khỏi truờng Petrus Ký rồi quẹo phải vào đuờng Hồng Thập Tự thì gặp lại 2 xe Jeep và hai xe chở binh sĩ lúc xuất hành buổi sáng. Xe Đại Tá Duong Ngọc Lắm đi đầu, xe thứ hai có Đại Úy Nhung. Khi đến đuờng Cao Thắng, bên hông bệnh viện Từ Dũ, xe ngừng lại vì bên kia đang có xe của Tuớng Xuân chạy nguợc trở lại. Dân chúng ra xem rất đông. Tuớng Xuân nhìn Đại Úy Nhung và đưa hai ngón tay trái lên hai lần. Sau đó, ông đưa ngón tay trỏ lên khỏi đầu và co vào duỗi ra đến 4 lần (gióng như bóp cò). Đại Úy Nhung gật đầu rồi đưa tay lên chào.
Khi xe đến gần đuờng rầy xe lửa thì dừng lại truớc cổng xe đã đuợc đóng lại vì đang có đoàn xe lửa đi qua. Đại Úy Nhung từ chiếc xe Jeep nhảy qua chiến M113 có chở ông Diệm và ông Nhu và la lớn: “Xuống! Xuống!” Các binh si trên xe M113 nhảy xuống hết. Nhân chứng vừa nhảy xuống đất thì nghe nhiều tiếng súng nổ… ».
Lưu xú thiên niên .
Trong buổi tưởng niệm Tinh Thần Ngô Đình Diệm tại Đức năm 2009, Linh mục Đỗ Xuân Quế, đã nhắc chuyện một tờ báo Mỹ viết rằng « một người Mỹ sau khi chết đã ký thác gia tài tổng cộng 3 triệu đôla dành cho con chó của ông ta. Lý do là từ khi vợ ông qua đời, con Kiki ngày nào cũng quanh quẩn như thúc dục ông ta đi viếng mộ về nhà mới chịu ăn. Là con chó sao đầy tình nghĩa vậy ? ». Đoạn linh mục kết luận « đem so sánh số tiền 3 triệu đồng VN tương đương với khoảng 30.000, đôla, do CIA Mỹ phân phát sau công trạng cách mạng 1/11/63cho bọn lưu la tướng tá phản bội thua cả vạn lần gia tài con chó của Mỹ » ! Một tỷ dụ ngắn, nhưng là một lời lưu xú đời đời dành cho con cháu khi đọc được « phiếu trình tướng Trần Văn Đôn ngày 14/8/1971 » như sau :
Trích yếu : Về số bạc 3 triệu đồng của ông Conein thù lao các dơn vị trong ngày cách mạng 1/11/63
Kính thưa Trung Tướng,
Số bạc 3 triệu đồng của ông Conein cho mượn thì đã được trung tướng chỉ thị cấp cho những người sau đây:
Ngày 1/11/63, T/T/TMT Trần thiện Khiêm nhận ………………………..500,000 $
(do đại tá Đặng văn Quang làm biên nhận)
Ngày 1/11/63, T/T Tôn Thất Đính tư lệnh quân đoàn 3 nhận …500,000 $ (do đại úy Phạm viết Hùng nhận)
Ngày 10/11/63, TT Tôn thất Đính có biên nhận thay thế……………………….100,000 $
Ngày 4/11/63, tặng sư đoàn 5 ………… 50,000 $ (do đại tá Nguyễn văn Thiệu nhận)
Ngày 5/11/63, tặng liên đoàn thủy quân lục chiến của đại tá Lê nguyên Khang ..100,00$ (do đại úy Quế nhận)
Ngày 5/11/63, đại tá Trần ngọc Huyến thị trưởng Đàlạt nhận……………100,000 $
Ngày 9/11/63, thiếu tá Phan hòa Hiệp trường thiết giáp nhận ……………100,000$
Ngày 19/11/63, đại úy Đào ngọc Diệp câu lạc bộ tổng tham mưu nhận…100,000$
Tổng cộng…………………………………………………………………1,550,000$
Tất cả số tiền 1,550,000 $ trên đây đều có biên nhận (đính kèm). Như vậy còn lại 1,450,000 $, trung tướng cũng tặng cho anh em nhưng không có chữ ký biên nhận. Trung tướng Đôn đã tặng cho các ông sau đây: Trung tướng Dương văn Minh, Trung tướng Lê văn Kim, Trung tướng Tôn thất Đính, Thiếu tướng Nguyễn hữu Có, Thiếu tướng Trần ngọc Tám, Trung tướng Nguyễn Khánh, Trung tướng Đỗ cao Trí .
Ngày 14 tháng 8 năm 1971
Ký tên : Hoa
Nhìn qua thì cuộc đảo chính 1/11/1963 triệt hạ Đệ Nhứt Cộng Hoà thành công là do sự hành xử phi đạo lý của đám quân nhân VNCH phản bội. Sách báo đã nói quá nhiều. Có điều lạ là chẳng bao lâu, sau 1964, trong xã hội miền Nam Việt Nam, lại có nhiều ngày lễ truy điệu TT Ngô Đình Diệm do chính Quân Đội VNCH và quần chúng đứng ra tổ chức. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và số cán bộ địch vận miền Bắc chớp lấy cơ hội tuyên truyền rằng bọn Cần Lao đang nổi dậy. Việc này « đúng hay sai » chúng ta hãy để cho lịch sữ hậu thế phán xét. Hôm nay, điều cần tìm hiểu là khắp các đất nước tự do, nơi nào có cộng đồng người Việt sinh sống, đều đã công khai làm lễ húy nhật cho cố TT Ngô Đình Diệm. Mọi người xem như tự nhiên, không chút mặc cảm.
Hãy sống với tinh thần Ngô Đình Diệm.
Khi nói đến Quốc gia Dân Tộc tức là chúng ta muốn nói đến văn hoá chính trị. Văn hoá người Việt các cộng đồng tại Mỹ và tại Úc rất khác với cộng đồng người Việt tại Âu Châu. Cũng vì vậy, những ngày tổ chức lễ giỗ Cụ Diệm đã có nhiều điểm không giống nhau là điều không cần bàn cãi. Có nơi rất ồ ạt. Có nơi thì nhũn nhặn. Chẳng hạn tại Mỹ và tại Úc nhiều hội đoàn đứng ra tổ chức các buổi lễ gọi là tưởng niệm hay lễ giổ cầu cho linh hồn người quá cố, và tại Âu châu thì các buổi lễ giổ nhắm vào sự phát triễn Tinh Thần Ngô Đình Diệm. Trên hình thức có khác, nhưng mục đích vẫn là tri ân và nuôi ý chí tranh đấu cho quốc gia dân tộc.
Cộng đồng nhắc nhớ đến tên Ngô Đình Diệm là muốn ca ngợi tài lãnh đạo, cách thi thố sách lược, lòng trung hậu của một vị nguyên thủ. Do đó, nếu chúng ta có tham gia ngày lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm hay lấy Tinh Thần Ngô Đình Diệm đứng ra hô hào tổ chức ngày húy nhật cụ, cũng vì chúng ta tìm kiếm trong lịch sữ cận đại trăm năm nay chưa có vị lãnh đạo nào đầy đủ tài năng và đức độ như cố TT Ngô Đình Diệm
Chúng ta đến với nhau trong ngày giỗ Ngô Đình Diệm không phải là để truy điệu, để phủ cờ, để suy tôn, để biết ơn một người từng làm Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà. Chúng ta đi dự lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm trong tinh thần tôn kính và tri ân người chí sĩ. Đồng bào đi dự lễ giỗ Ngô Đình Diệm với tâm tư và suy nghĩ tự phát không quá tầm thường như các buổi lễ giỗ cho một ông từng làm Tổng Thống. Hậu ý của đồng bào đi lễ giỗ Ngô Đình Diệm là gián tiếp làm gương thúc dục lớp trẻ hôm nay và mai sau, khi muốn dấn thân vì đất nước thì hãy nhớ lại đức độ và chí thành của một nhà lãnh đạo. Lễ giổ Ngô Đình Diệm hôm nay đã vượt ra ngoài khuôn khổ tôn giáo, bằng chứng là năm 2009, bà con phật tử và công giáo đã đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm anh linh cố TT Ngô Đình Diệm tại chùa Linh Sơn Bruxelles.
Như vậy, thì việc chúng ta đến nhà thờ hay đến chùa trong ngày giỗ Ngô Đình Diệm, không có nghĩa là chúng ta bám víu vào tín ngưỡng mà chống Việt Cộng. Tín ngưỡng chỉ là một nhu cầu của con người sống trong cộng đồng xã hội. Tín ngưỡng là sức lực siêu nhiên mạnh mẽ nhất của con người khi cần cho cuộc sống hạnh phúc. Tín ngưỡng tự nó không có tánh cưỡng bức như sự tập họp của đảng cộng sản. Vì vậy chủ trương người cộng sản nói chung và Việt cộng nói riêng, bắt buộc phải xem tín ngưỡng là kẻ thù. Tín ngưỡng là sức mạnh để bảo vệ quyền sống tự do của con người. Nó có tánh cách tiêu cực, nhưng không bao giờ chấm dứt khi các chủ trương đàn áp và khủng bố con người trong cộng đồng còn tồn tại. Chính vì vậy mà hôm nay tại trong nước, những cuộc chống trả ngấm ngầm hoặc công khai của người dân đối với chế độ Cộng sản luôn luôn tiếp diễn. Chính quyền Việt Cộng không tài nào chấm dứt được, dù cho họ đã mua chuộc vài nhà lãnh đạo tôn giáo (Công giáo và Phật giáo) làm tay sai đắc lực khuynh đão phật tử và con chiên.
Nói rõ hơn, chúng ta không đi dự lễ giỗ vì cụ Ngô Đình Diệm là một vị tổng thống VNCH. Bởi lẽ, nếu đánh giá việc đi dự lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm, chỉ vì ông là một vị Tổng Thống, nguyên thủ lãnh quốc gia VNCH và tổng tư lệnh Quân đội VNCH, thì làm sao trả lời được, rồi đây, có những lễ giỗ cho các ông như Bảo đại, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Văn Hương, Dương Văn Minh, hay… Phan Khắc Sữu,… Nguyễn Khánh? Lý do là các vị này, ít nhiều, cũng từng nắm chức vụ nguyên thủ quốc gia miền Nam Việt Nam. Vì vậy, chúng ta không nên và không bao giờ đem ngày giỗ cụ Ngô Đình Diệm ra so sánh với ngày giỗ của người khác. Vì làm như vậy, gián tiếp chúng ta hạ thấp giá trị Tinh Thần Ngô Đình Diệm.
Giả thiết rằng, hôm nay có tổ chức đứng ra hô hào làm giỗ cho một vị nguyên thủ quốc gia Miền Nam VN trước 1975, thì những lễ giỗ đó chỉ có tánh cách riêng tư của một số người, hay một vài cá nhân. Nhưng nếu họ nhân danh là cộng đồng đại diện quốc gia VNCH đứng ra làm lễ giỗ, thì thế nào cũng không tránh khỏi lời chỉ trích dèm pha. Bởi lẽ việc làm này đã lân lan vào địa hạt quần chúng. Những buổi lễ đó không nói lên một cảm quan nào có giá trị đích thực đối với toàn thể cộng đồng hải ngoại hôm nay về tánh cách tự phát dành cho cố TT Ngô Đình Diệm và bào đệ của ông.
NHÂN CÁCH NGƯỜI LÃNH ĐẠO.
Sự kiện thời gian gần nửa thế kỷ mà đồng bào khắp nơi đã kiên trì tổ chức trang trọng ngày giỗ Ngô Đình Diệm đã minh định quá rõ ràng lý do. Đồng bào và chúng ta đến với nhau trong ngày húy nhật cố TT Ngô Đình Diệm không phải vì ông là một vị tổng thống quốc gia. Chúng ta tham dự lễ giỗ Ngô Đình Diệm là cốt ý bày tỏ lòng tri ân đối với một Người đạo đức, cương nghị, có lòng vì dân vì nước, đã “vị quốc vong thân” trước sức mạnh của tiền tài và bạo lực ngoại lai. Điều trọng đại trong sự hiện diện của chúng ta trong ngày lễ giổ là cách làm gương về nhân cách con người lãnh đạo cho thế hệ con cháu mai sau. Nhân cách là thiên phú, là bẩm tánh cá nhân. Nhân cách sẽ dành cho phần đông những con người muốn dấn thân cho quốc gia xã hội, nó không tuỳ thuộc vào tôn giáo.
Ông Ngô Đình Diệm là người công giáo, nhưng chưa hẳn thiên chúa giáo đã tạo ra nhân cách cho ông ta, mà là nhờ sự thực thi lời cam kết khi nhận trách nhiệm về làm thủ tướng trong một giai đoạn cựu kỳ khó khăn. Einstein đã nói : « Nhân cách con người được thể hiện thiết thực trên sự dấn thân xã hội » (le comportement de l’homme se fonde efficacement sur les engagements sociaux). Vâng, từ khi đứng ra nhận trách nhiệm nhà lãnh đạo Ngô Đình Diệm đã biết muốn làm gì ? Đã đặt tin tưởng vào ai ? Phải hành động thế nào ? Nhờ vậy mà suốt thời kỳ phôi thai một chính quyền quốc gia, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm không sờn lòng trước sự hăm dọa của thế lực Pháp, và còn chịu trách nhiệm nạng nề trong việc tái định cư cho gần triệu người miền Bắc sau hiệp định Genève. Vậy, chúng ta đến với nhau trong ngày húy nhật Ngô Đình Diệm là việc khẳng định sự kính trọng và trung thành trong Tinh Thần Ngô Đình Diệm. Chúng ta đến dự lễ Ngô Đình Diệm không có ý mảy may lập đoàn hay lập đảng. Chuyện đó có thể xẩy ra ngoài những buổi tưởng niệm này. Bởi lẽ, đó là lập trường chính trị của cá nhân khi nhìn vào vận mệnh của Đất Nước.
KẾT LUẬN
Trong quyển Chính Đề, ông Ngô Đình Nhu, có viết : « Mỗi thời kỳ của cộng đồng dân tộc gồm nhiều thế hệ, trước và sau, thế hệ hiện tại »…. « thực trạng lịch sử mà chúng ta nhìn thấy trước mắt là hậu quả của những sự kiện đã xẩy ra hằng mấy thế kỷ trước và là nguyên nhân của những sự kiện sau này » (Chính đề, trang 30, Saigon). Nói khác, trong một lối suy tư nào đó, ông Ngô Đình Nhu muốn đưa ra một viễn kiến và khuyên những nhà lãnh đạo của thế hệ mai sau « phải thích nghi với thời gian» mà hành động. Có những sự kiện đau thương « thích hợp trong thời gian trước 2000 », nhưng nó sẽ « không thích hợp với thời gian kể từ thế kỷ này ». Hoặc ngược lại, và cụ thể hơn, người làm lịch sử hôm nay « không nên nhắc lại những hành động các tổ chức hoặc vài cá nhân từng tham gia trong thời cách mạng 1/11/1963 ».
Những cuộc họp mặt trong ngày tưởng niệm Ngô Đình Diệm là dịp nung nấu ý chí Tinh Thần Ngô Đình Diệm. Chúng ta nên tìm cách phát triển Tinh Thần Ngô Đình Diệm trong mọi cộng đồng, trong mọi tổ chức để tranh đấu cho Tự Do, Công Lý và Hoà Bình cho Dân Tộc. Đó cũng là cách chúng ta ghi ơn cố TT Ngô Đình Diệm vậy.
Paris, ngày 31/10/2010
Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm.
Link chia se: https://thomasviet.wordpress.com/?p=1727&preview=true
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét